Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

12 lễ hội trong 12 tháng của người Nhật Bản

(Du học Việt Phát) - Trong một năm, Nhật Bản tổ chức rất nhiều lễ hội lớn nhỏ để kỉ niệm cho nhiều sự kiện khác nhau. Trong bài viết dưới đây, du học Việt Phát sẽ cùng các bạn điểm qua 12 lễ hội lớn nhất trong năm của người Nhật Bản.


1. Tháng 1 - Oshogatsu - Tết của người Nhật Bản: 


Không giống như các nước láng giềng khác đón năm mới vào tết Âm lịch, người dân Nhật Bản chào đón năm mới vào tết Dương Lịch, truyền thống này bắt đầu từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Tuy nhiên người dân Nhật Bản vẫn giữ các phong tục truyền thống cũ đồng thời kết hợp với những điều mới mẻ từ văn hóa phương tây, tạo nên sự hài hòa văn hóa. 

Gia đình Nhật Bản quây quần trong ngày đầu năm mới

Trong đêm giao thừa, người Nhật ăn món mì trường thọ (toshicoshi soba), vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sum họp, uống sake, thứ rượu được coi là trường thọ, món ăn osechi cổ truyền và không thể thiếu món bánh dầy ăn cùng với món súp đặc biệt của ngày tết là ozoni (súp). Những ngày trước và sau Tết người ta thường gửi thiếp chúc tết đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Ngoài ra người Nhật cũng hay đi hái lộc ở các đền chùa để cầu an. Họ cũng có phong tục chọn phương hướng tốt để xuất hành đầu năm (hatsu moode), phong tục khai bút (kakizome) và phong tục mừng tuổi tiền (otoshi dama) cho trẻ con. Trong những ngay tết, họ trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằng tre và cành thông. Cổng chào này được gọi là kadomatsu.

Vào đúng 0h đêm giao thừa, các chùa của Nhật Bản sẽ đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ. Đây chính là lúc người dân Nhật Bản cùng đi hái lộc, thắp hương và xin bùa ở các đền chùa, sau đấy họ sẽ cùng nhau quây quần bên gia đình, bạn bè, xem các chương trình truyền hình dành cho ngày tết và uống Sake, ăn mì soba. 

2. Tháng 2 - Setsubun - Lễ hội ném đậu trừ ma quỷ: 


Setsubun (節分,Lễ hội ném đậu hoặc Nghi lễ ném đậu) là lễ hội có trước sự bắt đầu của mùa xuân. Cái tên của lễ hội có nghĩa là "Sự phân mùa", nhưng thuật ngữ thường được qui cho Setsubun mùa xuân, được gọi chính xác là Risshun (立春) được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 3 tháng Hai và là một phần của lễ hội mùa xuân (春祭, haru matsuri). Như vậy, Setsubun trước đây có thể đã được cho là một loại Giao thừa, và đã kèm theo một nghi lễ đặc biệt để tẩy rửa hết tất cả cái xấu của năm trước cũng như đuổi những linh hồn mang bệnh tật đến cho năm mới. Nghi lễ đặc biệt này được gọi là mamemaki ( 豆撒き có nghĩa là "ném đậu"). Setsubun bắt nguồn từ tsuina (追儺), một phong tục của Trung Quốc được biết đến tại Nhật Bản vào thế kỉ XVIII (mười tám).

Setsubun là lễ hội có trước sự bắt đầu của mùa xuân.

Người Nhật cho rằng năm mới là thời gian mà thế giới tâm linh trở nên gần hơn với thế giới vật chất, do đó họ mới phải thực hiện mamemaki để đuổi bất cứ linh hồn lang thang quá gần nhà. Những phong tục trong thời gian này gồm điệu nhảy tôn giáo, sửa chữa, và mang đồ vật vào trong nhà that và thường xuyên bị để ở ngoài, để phòng các linh hồn làm hư chúng.

3. Tháng 3 - Hina Matsuri, lễ hội búp bê, ngày lễ của các bé gái:


Hội này được tổ chức vào mùng 3 tháng 3. Trong ngày này, các gia đình có con gái bày một bộ búp bê (Hinaningyo) tượng trưng cho cung đình xưa và uống một thứ sake trắng ngọt đăc biệt để mừng ngày hội và cầu chúc. Tại các trường học, các bé gái được tập làm những con búp bê Hina bằng giấy. Do ngày hội đúng vào mùa hoa đào nở, nên người ta còn gọi là Momo no tseku( lễ hội hoa đào).

Ngày hội búp bê, ngày hội của các bé gái

Từ xa xưa, ở Nhật Bản đã có tập quán làm sạch cơ thể để xua đuổi những điều không may mắn vào những lúc giao mùa. Vào ngày này người ta sẽ làm những con búp bê hình người để gửi những điều rủi ro hay bệnh tật vào đấy và mang ra sông thả trôi đi.

4. Tháng 4: Hanami - Lễ hội ngắm hoa:


Tháng tư là thời điểm hoa anh đào - loài hoa được xem là quốc hoa của Nhật Bản - nở rộ trên khắp đất nước. Loài hoa này nở rất đẹp nhưng chóng tàn, bởi thế vào khoảng tháng 4, người dân Nhật Bản đều đổ xô đi khắp hoa anh đào ở những nơi đẹp nhất và nở nhiều nhất để thưởng thức khoảnh khắc ngắn ngủi mà tuyệt đẹp của những đóa hoa anh đào rực rỡ. 

Gia đình Nhật cùng tụ họp ngắm hoa anh đào nở

Người Nhật hiện đại đã tiếp nối truyền thống Hanami đó qua một thiên niên kỷ. Ở Nhật Bản hiện đại, mùa anh đào nở thường trùng đúng vào năm học mới và kết thúc một kỳ nghỉ dài, trở thành một dịp thuận tiện để tiệc tùng chờ đợi cho những điều tốt đẹp hơn. Các cuộc tản bộ trong công viên dưới tán anh đào nở cũng là cách nhiều người Nhật làm mới lại mình và thoát khỏi những sức ép của một xã hội công nghiệp luôn đòi hỏi khắc nghiệt.

5. Tháng 5 - Tango no Sekku - Ngày tết thiếu nhi:


Trước đây ngày này được xem là ngày tết cho các bé trai, nhưng ngày nay người Nhật Bản xem nó là ngày tết thiếu nhi. Và bắt đầu từ năm 1948 thì người dân Nhật Bản được nghỉ vào ngày hôm nay.

Các bé trai nằm bên dưới những lá cờ cá chép

Vào ngày này, các gia đình có con trai thường treo trước nhà những dải cờ hình cá chép nhiều màu sắc sặc sỡ, gọi là konobori. Theo người Nhật, cá chép tượng trưng cho sức mạnh. Trong ngày hội này người ta ăn một thứ bánh đặc biệt làm từ gạo.

6. Tháng 6 - Những lễ hội của mùa hè:


Ở Nhật Bản vào tháng 6 có nhiều lễ hội lớn nhỏ diễn ra chào mừng ngày hè. Trong đó có lễ hội Sanoo ở Tokyo, một trong ba lễ hội lớn nhất của Tokyo. Đây là lễ hội của thần đạo Shinto để tưởng nhớ công lao của vị thần bảo hộ thành phố.

Sanno là một trong ba lễ hội lớn nhất của Tokyo

Lễ hội Sanno được tổ chức tại ngôi đền linh thiêng Hie Jinja ở Chiyoda-ku, Tokyo. Đền thờ này có một lịch sử lâu đời, theo ghi chép ngôi đền có niên đại từ năm 1478, nó được xây dựng làm nơi để lưu trữ những tài sản có giá trị lớn trong thời gian xây dựng lâu đài Edo (nay là Tokyo).

Sức thu hút chính của lễ hội là jinkosai, đám rước với 500 người trong trang phục truyền thống, 3 mikoshi (đền thờ di động) chở linh hồn các vị Shinto diễu hành gần 20 cây số trong suốt 9 tiếng đồng hồ trong ngày lễ chính, ngày 15 tháng 6. Đám rước rời đền Hie, nơi thờ thần đạo Shinto và Ōyamakui-no-kami - vị “thành hoàng làng” của Tokyo để diễu hành khắp quận Chiyoda của Tokyo, sau đó dừng tại cung điện hoàng gia Tokyo vào đúng giữa trưa để các chủ lễ vào hoàng cung cầu nguyện cho hoàng đế và hoàng gia. Đây là niềm vinh dự lớn cho các chủ lễ và là truyền thống có từ thời kỳ Edo (1603-1867) và được giữ cho đến ngày nay.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, tại đây còn tổ chức các hoạt động văn hoá như trà đạo, nghệ thuật diễn xướng truyền thống, nghệ thuật cắm hoa Ikebana… để giới thiệu văn hoá truyền thống Nhật Bản.

7. Tháng 7 - Lễ Tanabata - Ngày Ngưu Lang Chức nữ của Nhật Bản:

Tanabata tổ chức vào ngày 7 tháng 7 hàng năm

Tanabata tổ chức vào ngày 7 tháng 7 hàng năm. Lễ Tanabata là ngày lễ đẹp và lãng mạn nhất trong các lễ hội Nhật Bản. Vào những ngày lễ hội Tanabata, người ta thường viết những lời cầu nguyện  vào một mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc (tanzaku) và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi sau khi lễ hội kết thúc. Nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ Thần đạo Shinto (Jinja) để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng , vàng, trắng, đen. Phong tục trang trí cành tre có cả ở Nhật và Trung Quốc.

8. Tháng 8 - Lễ hội Obon - ngày lễ Vu Lan của người Nhật Bản: 


Đây là ngày lễ cầu nguyện cho những linh hồn tổ tiên trong mỗi gia đình Nhật Bản. Vào thời gian này, người dân Nhật Bản ở đâu xa cũng sẽ cố gắng về xum họp và đi viếng mộ người thân. 

Ngày lễ cầu nguyện cho những linh hồn tổ tiên trong mỗi gia đình Nhật Bản.

Lễ hội Obon kéo dài 3 ngày nhưng ngày bắt đầu thường khác nhau ở từng vùng. Khi Âm lịch không còn được sử dụng vào đầu thời kỳ Meiji, mỗi địa phương đều có những quan điểm khác nhau và kết quả là có đến 3 thời điểm bắt đầu lễ hội Obon khác nhau trên toàn nước Nhật. “Shichigatsu Bon” (Lễ hội Obon vào tháng 7) là dựa theo Dương lịch và bắt đầu từ ngày 15/7 ở khu vực Tokyo, Yokohama và vùng Tohoku.  “Kyu Bon” (Lễ hội Obon cũ) bắt đầu từ ngày thứ 15 của tháng thứ 7 Âm lịch. Kyu Bon tổ chức nhiều ở khu vực phía bắc vùng  Kantō, Chūgoku, Shikoku và các đảo phía Tây Nam. “Hachigatsu Bon” cũng theo Dương lịch nhưng được tổ chức bắt đầu từ 15/8 Dương lịch. Đây là ngày phổ biến nhất và lễ hội Obon lớn nhất, quan trọng nhất cũng được tổ chức bắt đầu từ ngày này tại cố đô Kyoto.

Mang ý nghĩa là linh hồn của những người đã khuất sẽ quay trở lại nơi trần thế, nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Việt Nam ta có tục đốt vàng mã để dâng cúng đến ông bà tổ tiên và những người đã khuất vào ngày lễ Vu Lan, thì ở Nhật Bản phong tục này cũng gần như vậy. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ gọi là Obon-dana hoặc Tama-dana.

9. Tháng 9: 


Aki no higan (Thu phân) là ngày lễ kéo dài cả tuần vào cuối tháng 9 trong ba ngày trước và sau Thu phân.

Cùng thời điểm này còn có Tsukimi (ngắm trăng) là lễ hội thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời mùa thu trong xanh được vầng trăng tròn soi sáng. Lễ hội này thường được tổ chức theo lịch âm dương cũ của Nhật Bản là vào ngày 15/8 và 13/9, hiện nay tương đương với giữa tháng 9 và giữa tháng 10. Khu vực ngắm trăng thường được trang trí cỏ bông lau, thức ăn truyền thống là loại bánh bao hình tròn gọi là bánh mặt trăng (tsukimi dango), hạt dẻ và rượu sake

10. Tháng 10 - Ngày hội thể thao: 


Người Nhật coi trọng các hoạt động thể chất rèn luyện sức khỏe, họ chọn ngày thứ bảy thứ 2 của tháng 10 làm ngày Thể thao. Trước đây là ngày 10 tháng 10.

Vào ngày này hoặc những ngày trong khoảng thời gian này, nhiều trường học và các nhà máy ở thành phố tổ chức ngày hội thể thao gọi là undōkai, một sự kiện sôi động kéo dài cả ngày gồm có thi đấu điền kinh cũng như thể dục và khiêu vũ. Các công ty cũng thỉnh thoảng tổ chức ngày hội thể thao (undōkai) để nâng cao sự gắn bó giữa nhân viên và gia đình họ. Vì đây là một phần cần thiết ở tất cả các cấp học, ở những địa phương khác ngoài các thành phố lớn ra, họ không thường tổ chức sự kiện đơn lẻ mà chỉ có một số trường địa phương tham gia.

11. Tháng 11 - Ngày hội Shichi-go-san (bảy - năm - ba): 


Vào ngày này các bé gái ba và bảy tuổi và các bé trai năm tuổi mặc những bộ đồ đẹp nhất và được đưa đi viếng đền. Lễ hội này được tổ chức nhằm cảm ơn và cầu mong con cái lớn lên một cách khỏe mạnh. 

Trẻ em Nhật Bản trong các bộ trang phục rực rỡ của ngày lễ 

12. Tháng 12:


Bōnenkai: Vào tháng 12, mọi người tụ tập với đồng nghiệp và bạn bè ở các câu lạc bộ và các nhóm xã hội tại bōnenkai, một bữa tiệc tất niên nhằm quên đi những khó khăn và rắc rối trong năm cũ. Trong bữa tiệc này, họ bỏ qua sự khác biệt về cấp bậc trong xã hội và những phép xã giao hàng ngày trong đời sống Nhật Bản, và tham gia vào cuộc ăn uống say sưa trong mối quan hệ bình đẳng.

Kotohajime: Từ 13/12, là thời gian diễn ra phong tục kotohajime (“bắt đầu làm việc”), vào thời gian này, mọi người bắt đầu chuẩn bị đón Năm mới thông qua việc quét dọn nhà cửa. Họ lau dọn bàn thờ và những vật khác liên quan đến tôn giáo, mua các nguyên liệu cần thiết để làm bánh dày nhân ngọt (mochi) và các món ăn khác theo mùa.

Lễ Giáng sinh: Mặc dù Nhật Bản không phải là nước theo đạo Cơ đốc, nhưng hiện nay Giáng sinh được tổ chức rộng rãi như là một hoạt động thương mại. Trẻ em hào hứng chờ đợi ông già Nô-en đến tặng quà, và nhiều nhà bày cây thông Nô-en và các vật trang trí khác. Nhờ truyền thống ăn bánh giáng sinh (ở Nhật thường là bánh bông lan kem dâu), những người làm bánh trên cả nước trở nên đặc biệt bận rộn vào đêm Giáng sinh.

Để biết thêm thông tin chi tiết về du học Nhật Bản xin liên hệ:
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thương mại Việt Phát - VTI
Số 48, ngách 2, ngõ Simco, đường Phạm Hùng, Hà Nội
Email          :  duhocvietphatvti@gmail.com 
ĐT              :  04 62 96 75 42
Hotline         : 0983 102 258 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét